Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ thì NSDLĐ bị xử lý thế nào?

Biết rằng, mỗi người đều cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt cá nhân hợp lý để có một sức khỏe tốt nhất, sau đó tiếp tục làm việc, lao động. Do đó, pháp luật về lao động cũng đã có những quy định cụ thể về việc làm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích, mục tiêu của công ty, doanh nghiệp…. thì không ít người sử dụng lao động (NLSDLĐ) đã có những cách thức, phương thức (gây áp lực, “chiêu trò”…) hoặc cá biệt là do NLĐ chủ động xin làm thêm giờ (tạo thêm thu nhập)…. Có thể nói chung, những hành vi trên là không đúng quy định của pháp luật về lao động, vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong Bộ luật Lao động.

Do đó, cần có những chế tài xử lý vấn đề trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, tốt nhất cho NLĐ.

Căn cứ Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lao động, Bảo hiểm xã hội, Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại điều này, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Theo đó, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định cụ thể tại Chương VII (từ Điều 105 đến Điều 116) Bộ luật Lao động năm 2019.

Một số nội dung cơ bản về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần; Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục; Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc; Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày; Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Nhiều người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tư vấn, giải quyết. Hãy liên hệ với Tổng đài BHXH Việt Nam Xem số Tổng đài tư vấn BHXH Việt Nam tại đây Đây là số Tổng đài chính thức, các số khác đều không phải của ngành BHXH VN.

Chia sẽ bài viết: