Những khoản trợ cấp, tiền được hưởng khi bị TNLĐ, BNN năm 2022

Đôi khi trong công việc thì luôn có những rủi ro bất ngờ đe dọa sự an toàn của NLĐ. Khi đó, chế độ TNLĐ, BNN sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng này, NLĐ sẽ nhận được một khoản tiền trợ cấp do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả. Nhằm hỗ trợ về kinh tế để vượt qua những khó khăn trong tai nạn, bệnh tật nhất định tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động.

Theo đó, NLĐ muốn được nhận được các khoản trợ cấp sau đây thì phải đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ, BNN theo luật định.

I – TRỢ CẤP MỘT LẦN

Căn cứ Điều 46 Luật BHXH năm 2014, Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

– Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Hiện nay (năm 2021), mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng nên mức trợ cấp 01 lần tối thiểu là 1.490.000 đồng * 5 = 7.450.000 đồng.

– Ngoài mức trợ cấp quy định trên, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ hoặc được xác định mắc BNN; trường hợp bị TNLĐ ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Lưu ý: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, BNN hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (Điều 51 Luật BHXH năm 2014, Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015).

Thông tin thêm về mức lương cơ sở

+ Căn cứ Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2019-2020 là 1.490.000 đồng/tháng.

 + Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 86/2019/QH14 thì mức lương cơ sở năm 2020-2021 là 1.600.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 thì Quốc hội đã quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Tức là không tăng mức lương cơ sở trong năm 2020-2021 để dành kinh phí cho phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn áp dụng mức lương cơ sở năm 2019 là 1.490.000 đồng. Có thể thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế, xã hội của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi nguồn lực hiện đang được dồn cho việc phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế. Do đó, ảnh hưởng đến việc cải cách tiền lương, dẫn đến mức lương cơ sở trong năm 2022 có thể vẫn giữ nguyên là 1.490.000 đồng.

II – TRỢ CẤP HẰNG THÁNG

Căn cứ Điều 47 Luật BHXH năm 2014, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Hiện nay (năm 2021), mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng nên mức trợ cấp 01 lần tối thiểu là 1.490.000 đồng * 30% = 447.000 đồng.

+ Ngoài mức trợ cấp quy định trên, NLĐ hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ hoặc được xác định mắc BNN; trường hợp bị TNLĐ ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

III – TRỢ CẤP PHỤC VỤ

Căn cứ Điều 50 Luật BHXH năm 2014, Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng như trên, thì hằng tháng còn được hưởng thêm trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Ngoài ra, NLĐ bị TNLĐ, BNN mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật (Điều 49 Luật BHXH năm 2014, Điều 51 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015).

IV – THỜI ĐIỂM HƯỞNG TRỢ CẤP

Căn cứ Điều 48 Luật BHXH năm 2014, Điều 50 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì thời điểm hưởng trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp phục vụ được tính từ tháng NLĐ điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

+ Trường hợp 1: NLĐ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng NLĐ điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với TNLĐ, BNN sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

+ Trường hợp 2: NLĐ bị TNLĐ, BNN mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng NLĐ được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

+ Trường hợp 3: NLĐ được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định; NLĐ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

V – DƯỠNG SỨC, PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU KHI ĐIỀU TRỊ THƯƠNG TẬT, BỆNH TẬT

Căn cứ Điều 52 Luật BHXH năm 2014, Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị TNLĐ, BNN.

Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Lưu ý: Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì NLĐ vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho NLĐ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định dưới đây nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

“Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%;

NLĐ được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở”.

Thông tin thêm: Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).

HTML tutorial

Nhiều người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tư vấn, giải quyết. Hãy liên hệ với Tổng đài BHXH Việt Nam Xem số Tổng đài tư vấn BHXH Việt Nam tại đây Đây là số Tổng đài chính thức, các số khác đều không phải của ngành BHXH VN.

Chia sẽ bài viết:

Hiện có 2 ý kiến cho bài viết

  1. Tôi nghỉ hưu trước năm 1994 thì bây giờ có được điều chỉnh mức lương dưới 4 triệu không? Cách tính như thế nào ?

    1. Theo thông tin bạn trình bày thì bạn sẽ được tăng 7,4% trên mức lương đang nhận. Do lương bạn trên mức 2,500,000 đồng nên bạn sẽ không còn điều chỉnh gì thêm!

Comments are closed.