Hành vi gian lận BHXH, BHTN bị xử thế nào theo Luật Hình sự?

Như chúng ta đã biết, bảo hiểm xã hội (BHXH) góp phần làm ổn định đời sống của người lao động, những người tham gia BHXH sẽ được thay thế, bù đắp một phần thu nhập khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, ốm đau, mất việc làm, tuổi già hoặc qua đời. Khi tham gia BHXH thì người lao động được sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời, góp phần bảo đảm an toàn xã hội.

Còn đối với bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì chính là sự bù đắp một phần nào đó cho người lao động trong thời gian khó khăn khi họ chưa tìm được việc làm mới và hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp. Trong thời gian người lao động chưa tìm kiếm được việc làm thì BHTN sẽ hỗ trợ một phần thu nhâp, cũng như tạo cơ hội để người lao động có thể học nghề hoặc tìm tìm kiếm việc làm mới.

Tuy nhiên, với những chế độ, chính sách BHXH, BHTN mang lại cho người tham gia Bảo hiểm rất nhiều ưu ái và ích lợi nhất định nên vì thế không ít các đối tượng thực hiện những hành vi gian lận BHXH, BHTN.

Chính vì vậy, hành vi gian lận BHXH, BHTN được quy định là một trong những tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015). Thấy rằng, hành vi gian lận BHXH, BHTN được quy định là tội pham là rất thiết thực và cần thiết, góp phần hoàn thiện chính sách hình sự của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể là đấu tranh phòng chống tội phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Hành vi gian lận BHXH
(Ảnh minh họa)

Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiêp như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

I. CÁC DẤU HIỆU PHÁP LÝ

1. Khách thể

– Khách thể của tội gian lận BHXH, BHTN là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cụ thể hơn, ta có thể chia thành khách thể trực tiếp và khách thể gián tiếp.

+ Khách thể trực tiếp: là quyền và lợi ích của người lao động, người tham gia bảo hiểm và người dân.

+ Khách thể gián tiếp: là sự ổn định, an toàn của chính sách phúc lợi, an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Rộng hơn nữa là dẫn đến mất an toàn, an ninh, trật tự xã hội.

2. Mặt khách quan

– Mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp các biểu hiện diễn ra tội phạm và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua các hành vi sau:

+ Thứ nhất, hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo BHXN, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

Theo đó, lập hồ sơ giả là hành vi lập hồ sơ BHXH, BHTN trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn…) để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật.

+ Thứ hai, hành vi dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm hưởng các chế độ BHXH, BHTN.

Lưu ý:

  • Người nào thực hiện một trong các hành vi trên và đồng thời nhằm mục đích  chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015; cụ thể là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 173), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) thì mới cấu thành tội phạm này.
  • Gây thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận BHXH, BHTN như trên gây ra không bao gồm số tiền BHXH, BHTN bị chiếm đoạt.

3. Mặt chủ quan

– Mặt chủ quan của tội gian lận BHXH, BHTN bao gồm các yếu tố sau: lỗi, động cơ và mục đích.

+ Lỗi của người phạm tội gian lận BHXH, BHTN là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Động cơ của tội này là vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

+ Mục đích là chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN hoặc gây thiệt hại cho cơ quan bảo hiểm xã hội

4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm là người có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo quy định của luật hình sự.

Căn cứ Điều 12 BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội gian lận BHXH, BHTN là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Cụ thể hơn là bao gồm 2 loại đối tượng:

+ Một là, những khách hàng tham gia bảo hiểm.

+ Hai là, những người đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm.

Ngoài ra, theo quy định của luật hình sự nước ta hiện nay thì pháp nhân thương mại chưa thuộc phạm vi chịu TNHS về tội phạm này (căn cứ Điều 76  năm BLHS 2015).

II. VỀ HÌNH PHẠT

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong BLHS, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội.

Các hình phạt của tội phạm này được quy định cụ thể tại các khoản của Điều luật bao gồm:

+ Hình phạt chính: phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.

+ Hình phạt bổ sung: phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Cụ thể hình phạt được áp dụng:

  • Khoản 1:  phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  • Khoản 2:  phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Khoản 3: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
  • Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

III. MỘT SỐ TÌNH TIẾT ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

  • Tình tiết “Có tổ chức” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 214

Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng này là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Một là, hình thức đồng phạm, tức là đều phải có từ 2 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm, những người phạm tội thường có bàn bạc trước và sự phân công thực hiện tội phạm. Hai là, sự cấu kết chặt chẽ, được thể hiện qua một trong các hình thức như: những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội hoặc đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước hoặc chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm.

  • Tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 214

Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng này là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHTN từ 05 lần trở lên, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích. Đồng thời, người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.

  • Tình tiết “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt” quy định tại Điểm đ Khoản 2  Điều 214

Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng này là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

  • Tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại Điểm e Khoản 2  Điều 214

Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng này là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

IV. MỘT SỐ VÍ DỤ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TỘI GIAN LẬN BHXH, BHTN

  • Ví dụ 1:

Trần Thị T thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHTN nhằm chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Trần Thị T bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHTN, quy định tại Khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015.

  • Ví dụ 2:

Nguyễn Văn H thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 40.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn H bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015.

  • Ví dụ 3:

Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lưu ý:

Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHTN để chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nhiều người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tư vấn, giải quyết. Hãy liên hệ với Tổng đài BHXH Việt Nam Xem số Tổng đài tư vấn BHXH Việt Nam tại đây Đây là số Tổng đài chính thức, các số khác đều không phải của ngành BHXH VN.

Chia sẽ bài viết:

Hiện có 2 ý kiến cho bài viết

  1. Trần huyền quốc Đức

    - Edit

    Em đăng ký nhận bhxh một lần ở đâu cũng được hay là em phải về nơi thượng trú mới đăng ký được ah.
    Vậy nếu như em đăng ký nhận bhxh một lần ở nơi đang tạm trú có được không.
    Và hồ sơ nhận gồm những gì .

    1. Trường hợp bạn tạm trú có cấp KT3 thì bạn vẫn có thể nhận BHXH 1 lần được, hồ sơ gồm:
      – Sổ BHXH (Bản chính) và các tờ rời đã được chốt sổ.
      Mẫu đơn 14-HSB
      – Xuất trình sổ hộ khẩu hoặc tạm trú!

Comments are closed.