“Bước tiến dài” trong việc tích hợp thẻ BHYT vào CCCD

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Các bộ, ngành đã báo cáo một số kết quả đã được trong thời gian qua.

Đặc biệt, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đạt kết quả tích cực. Bộ Công an phối hợp Văn phòng chính phủ (VPCP) đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.

tích hợp BHYT vào CCCD

VPCP đã ban hành hướng dẫn tích hợp, kết nối chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án đang được Bộ Công an và các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện bảo đảm tiến độ, bước đầu có hiệu quả tích cực, hồ sơ tiếp nhận tăng từng ngày. Đặc biệt là lĩnh vực cư trú, trước khi triển khai Đề án, trung bình 1 ngày tiếp nhận 1.225 hồ sơ, sau khi triển khai đề án, số lượng tăng gấp đôi, kết quả giải quyết đúng hạn tăng từ 89% lên 96,5%.

Về nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Công an phối hợp với 25 doanh nghiệp lớn để triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Bộ Công an cung cấp việc xác thực danh tính của người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng.

Về phục vụ phát triển công dân số, Bộ Công an đã tổ chức triển khai cấp tài khoản định danh điện tử trên cả nước từ ngày 25/02/2022 cho công dân kết hợp với việc cấp căn cước công dân.

Về kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đã tổ chức kết nối thành công dữ liệu bảo hiểm (BHXH Việt Nam), dữ liệu mã số thuế cá nhân (Bộ Tài chính), dữ liệu học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dữ liệu trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), dữ liệu đăng ký sử dụng điện (Tập đoàn Điện lực); tiếp tục triển khai thống nhất kỹ thuật với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Công an đã phối hợp BHXH Việt Nam hoàn thành giải pháp và triển khai thành công việc đồng bộ 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi khám bệnh (tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế).

Về phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng phân tích, cung cấp các thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội; cùng với quá trình kết nối làm giàu dữ liệu, các thông tin cung cấp từng bước toàn diện hơn, phục vụ các mục đích đa dạng trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tích cực vào cuộc của Thường trực Tổ công tác và các cơ quan. Nhờ đó, việc triển khai Đề án cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định và quan trọng nhất là khẳng định sự đúng hướng, trúng vấn đề. “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, đầu tư công sức, trí tuệ và làm việc có đam mê nên việc triển khai Đề án đã mang lại hiệu quả ngay, tiện ích ngay cho người dân và doanh nghiệp, đây cũng là bài học quý”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

Đề án được triển khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt.

Nếu như Đề án 06 hoàn thành sẽ là một bước tiến dài của đất nước trong Công cuộc chuyển đổi số, người dân chỉ cần sử dụng giấy CCCD là có thể sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích.

Nguồn bài viết: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-y-te.aspx?ItemID=18185&CateID=0

Nhiều người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tư vấn, giải quyết. Hãy liên hệ với Tổng đài BHXH Việt Nam Xem số Tổng đài tư vấn BHXH Việt Nam tại đây Đây là số Tổng đài chính thức, các số khác đều không phải của ngành BHXH VN.

Chia sẽ bài viết: